Hướng dẫn

Nếu bạn lần đầu ghé thăm blog của mình, bạn có thể vào phần hướng dẫn để biết thêm thông tin và cách sử dụng blog này.

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Những định dạng hình ảnh thường được sử dụng cho trang web

Hình ảnh là thành phần không thể thiếu của một trang web. Hình ảnh dùng để trang trí, nhấn mạnh nội dung, truyền tải thông điệp. Một trang web được xem là đẹp thì không thể thiếu hình ảnh.

Với vai trò khá quan trọng như thế, ta cần phải nắm rõ về những định dạng ảnh thường được sử dụng, từ đó vận dụng tốt hơn trong việc hiển thị trang.

Hiện nay được sử dụng nhiều nhất là 3 định dạng ảnh: GIF, JPG (JPEG), PNG. Mỗi định dạng này có những ưu khuyết điểm riêng, phục vụ tốt cho một mục đích hiển thị đặc thù. Mình sẽ trình bày sơ lược về "tiểu sử" cũng như cách sử dụng chúng, những chi tiết liên quan thì mình sẽ dẫn link tham khảo.


GIF
Viết tắt của Graphic Interchange Format tạm dịch là "Định dạng Trao đổi Hình ảnh" (Xem thêm tại Wiki). Định dạng này thường có phần mở rộng của tập tin là .gif. Đây là một định dạng khá phổ biến dùng để thiết kế ở thời kỳ đầu internet (những năm 90). Dần dà nó bị thay thế bởi đối thủ mạnh mẽ hơn đó là PNG. Tuy vậy, GIF vẫn có những bản sắc riêng mà những định dạng khác không có được.

GIF được biết đến như một định dạng hình ảnh nhỏ gọn, "hình động" (animated gif). GIF thường được sử dụng để hiển thị những ảnh hoạt họa có nhiều khung hình:


Bạn thấy đó, một chú Sonic thật sinh động, biết "ngọ nguậy" sẽ vui mắt, ấn tượng hơn nhiều, trông rất kool. Nhưng đôi khi sử dụng hình GIF động quá nhiều sẽ biến trang web thành một cái chợ với đủ thứ món cử động "lúc nhúc", gây nhức mắt và mất tập trung người xem.

Hình GIF còn có khả năng hiển thị một hình ảnh "trong suốt" (transparent), trong suốt ở đây nghĩa là ngoài nội dung chính của hình thì những phần còn lại có thể nhìn thấu qua:

2 cây thông với dòng chữ "Nội dung bên dưới"
Cùng là một hình cây thông, nhưng với 2 phiên bản khác nhau, một phiên bản trong suốt và một phiên bản "bánh mì đặc ruột", dòng chữ "Nội dung bên dưới" chỉ được thấy khi đặt ở dưới hình trái, còn hình phải do nền không trong suốt đã che mất chữ.

Ưu điểm thì có nhiều những khuyết điểm của GIF cũng không ít. GIF bị giới hạn bởi số lượng màu trong một ảnh chỉ tối đa 256 màu, nếu bạn sử dụng một hình ảnh phong cảnh, rất nhiều màu sắc và chuyển thành dạng GIF, bạn sẽ nhận được một bức tranh loang lổ, hỗn tạp:

Ảnh gốc bên trên và chuyển thành định dạng GIF bên dưới
Do số lượng màu có hạn, nên những màu không biểu diễn được GIF đành "chống chế" bằng cách thay thế những màu "gần giống". Vì vậy, GIF trình bày khá tốt với những ảnh dạng chữ viết đơn sắc, những ảnh nhỏ. GIF có thể chỉ định số màu hiển thị của mình để nhằm tiết kiệm dung lượng ảnh.

JPEG
Là từ viết tắt của Joint Photographic Experts Group (Xem thêm tại Wiki). Phần mở rộng là jpeg, ngoài ra nó còn có tên "cúng cơm" khác là .jpg, bạn có thể sử dụng cả 2 loại đều có tác dụng như nhau.

JPEG là một dạng nén ảnh hiệu quả, tỉ lệ nén cao. Khác với GIF, JPEG có một bảng màu phong phú hơn nhiều (16 triệu màu hay 24 bit màu). JPEG chiếm uu thế trong việc hiển thị ảnh kỹ thuật số, chân dung, ảnh phong cảnh, dùng để in ấn. Nhưng ngược lại JPEG lại yếu thế trong việc hiển thị ảnh chữ viết, ãnh có chi tiết đường nét nhiều, tất nhiên khuyết điểm này có thể khắc phục bằng cách không sử dụng kỹ thuật nén, mà giữ nguyên chất lượng ảnh ban đầu, điều này sẽ làm tăng dung lượng ảnh.

Hình trái chất lượng nguyên gốc có dung lược 43KB, hình phải sử dụng tỉ lệ nén 80% có dung lượng 23KB, giảm gần 50% so với ảnh gốc
Hình trái nguyên gốc có đường nét sắc cạnh, hình phải màu loang lỗ, đường nét răng cưa
Tóm lại ta không nên dùng jpeg với tỉ lệ nén cao trong việc hiển thị ảnh scan, chữ viết, bản vẽ kỹ thuật.

PNG
Là chữ viết tắt của Portable Network Graphic, là định dạng ảnh chuyên dùng trên internet, PNG ra đời sau và đã chiếm được nhiều ưu ái của giới thiết kế web. PNG là sự tổng hợp ưu điểm của cả 2 định dạng GIF và JPEG. Là cây lai dung lượng nhỏ, trong suốt của GIF với hình ảnh rõ nét, màu sắc phong phú (4 tỷ màu hay 32bit màu) hơn cả JPEG.

PNG còn được chia ra 2 dòng nhỏ:
PNG 8 bit, là loại định dạng ảnh có những nét tương đồng với GIF: nhỏ gọn, giới hạn màu tối đa 256.
PNG 24 bit có đầy đủ ưu điểm của các loại định dạng ảnh: màu phong phú, trong suốt, ngoài ra PNG 24 còn có thêm một kênh màu mới là Alpha, kênh màu này giúp ảnh PNG có thể hiển thị mờ đục (opacity), làm tăng hiệu quả hiển thị hơn GIF rất nhiều, nhưng chính điều này lại làm tăng dung lượng ảnh PNG 24 lên cao nhất, cao hơn cả JPEG

Ảnh PNG 24 mờ đục và PNG 8 trong suốt

Tóm tắt
  • Ta chỉ nên sử dụng ảnh GIF trong trường hợp hiển thị ảnh "hoạt họa" (ngày nay đã có định dạng animated PNG nhưng do một số trình duyệt chưa hỗ trợ nên chưa được sử dụng rộng rãi)
  • Sử dụng PNG 8 cho hình nhỏ, đơn giản, ít màu sắc hoặc cần trong suốt.
  • Sử dụng PNG 24 cho ảnh có nhu cầu hiển thị mờ đục, chất lượng tốt, rõ nét.
  • Sử dụng JPEG cho ảnh in ấn, ảnh chụp, phong cảnh, chân dung, ảnh có những chi tiết không rõ nét.
Loại bài sau: Tối ưu hóa website

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Hãy nói không với 4T

Hướng dẫn sử dụng chức năng góp ý
Bạn có thể sử dụng những thẻ <b>, <i>, <a>. Để chú thích đoạn mã bạn có thể sử dụng thẻ [code=type]  [/code], với type là những loại mã sau js, css, html. Chú ý: Khi sử dụng thẻ [code=html] bạn cần theo thế những ký tự < , > thành [] hoặc bạn có thể sử dụng bộ chuyển đổi. Những loại mã khác thì bạn thay thế < , > thành &lt;&gt; hoặc bạn cũng có thể sử dụng bộ chuyển đổi